Xuất hoá đơn giá trị gia tăng vào thời điểm nào Khi bán hàng và cung cấp dịch vụ?

Thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là một vấn đề phức tạp và thường gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân khi thực hiện giao dịch bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Việc xác định đúng thời điểm lập hóa đơn không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật mà còn tránh các sai phạm và rủi ro liên quan đến thuế.

Theo Luật Quản lý thuế và các quy định về hóa đơn, về thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, việc xuất hóa đơn phải được thực hiện ngay khi hoàn thành việc bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ. Cụ thể:

  1. Xuất hóa đơn GTGT ngay khi giao hàng: Khi doanh nghiệp hoàn tất việc giao hàng, tức là hàng đã đến tay người mua, thì phải lập hóa đơn GTGT ngay tại thời điểm giao hàng. Điều này đúng bất kể khách hàng đã thanh toán hay chưa. Đây là quy tắc chung để đảm bảo việc ghi nhận doanh thu và nộp thuế kịp thời.

  2. Xuất hoá đơn GTGT khi cung ứng dịch vụ:  

  • Hoàn thành dịch vụ, không phân biệt đã thu tiền hay chưa: Trong các dịch vụ thông thường, hóa đơn GTGT phải được lập ngay khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, dù khách hàng đã thanh toán hay chưa. Đây là quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch và kịp thời trong việc ghi nhận doanh thu và nộp thuế.

  • Dịch vụ thu tiền trước hoặc trong quá trình cung cấp dịch vụ: Nếu bên cung cấp dịch vụ thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, thì hóa đơn phải được lập vào thời điểm thu tiền.(không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

  • Trường hợp ngoại lệ – tiền đặt cọc hoặc tạm ứng cho các dịch vụ đặc thù: Theo Công văn số 13675/BTC-CST năm 2013Công văn 68718/CT-TTHT năm 2018 Trong một số dịch vụ đặc thù như kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng, nếu có khoản thu trước với mục đích đặt cọc hoặc tạm ứng đảm bảo thực hiện hợp đồng, thì không cần lập hóa đơn ngay tại thời điểm thu tiền. Hóa đơn sẽ chỉ cần được lập khi hoàn thành dịch vụ hoặc theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng.

Việc thu tiền trước hoặc sau khi xuất hóa đơn không phải là căn cứ chính để xuất hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp nhận được tiền đặt cọc, doanh nghiệp có thể chưa cần xuất hóa đơn cho đến khi hàng hóa được giao hoặc dịch vụ được cung ứng hoàn tất.

Như vậy, trường hợp bán hàng thu được tiền rồi mới xuất hóa đơn là không đúng theo quy định hiện hành, trừ khi đó là các khoản tạm ứng hoặc đặt cọc. Doanh nghiệp cần xuất hóa đơn vào thời điểm hoàn thành việc bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ, bất kể đã thu được tiền hay chưa, nhằm tuân thủ đúng quy định pháp luật và tránh các rủi ro thuế phát sinh.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng